Hệ thống giáo dục Giáo_dục_khoa_cử_thời_Hồ

Từ cuối thời Trần, khi nắm quyền điều hành triều chính, Hồ Quý Ly đã bước đầu đã có những tác động toàn diện tới kinh tế - xã hội Đại Việt, trong đó có nền giáo dục. Từ năm 1392, Hồ Quý Ly đã soạn sách Minh đạo 14 thiên dâng lên thái thượng hoàng Trần Nghệ Tông, phê phán một số danh nho, nghi ngờ một số chỗ của sách Luận Ngữ của Khổng Tử, phê phán thói giáo điều của các nhà Nho như Hàn Dũ, Chu Đôn Di, Trình Hiệu là "trộm Nho", "cóp nhặt văn chương"; đồng thời ông đề nghị khuyến khích thực học, kén người tài năng[1].

Hồ Quý Ly hạn chế Phật giáo, Đạo giáo, đề cao Nho giáo, nhưng là thứ Nho giáo thực dụng, chống giáo điều, kết hợp với tinh thần Pháp gia. Hồ Quý Ly là vị vua đầu tiên phổ biến rộng rãi việc dùng chữ Nôm, đưa chữ Nôm lên vị trí quan trọng[2]. Điều đó được xem là biểu hiện của ý chí nêu cao tinh thần dân tộc[3][4]. Ông soạn sách Thi nghĩa (nghĩa của Kinh Thi) bằng chữ quốc âm rồi sai người dạy cho hậu phi và cung nhân học tập. Ông còn chép thiên Vô dật (Không nên nhàn hạ) ra chữ quốc âm để dạy vua Trần Thuận Tông. Nhà nghiên cứu Trần Bá Nam cho rằng việc chú trọng chữ Nôm của Hồ Quý Ly trong hệ thống giáo dục đương thời có tác động đến thành tựu văn học chữ Nôm của những người kế tục sau đó, trong đó điển hình là Nguyễn Trãi[4].

Hệ thống trường lớp tại các địa phương được Hồ Quý Ly thúc đẩy mở rộng từ cuối thời Trần và tiếp tục duy trì sang thời Hồ, theo đó tại các lộ xa như Sơn Nam, Kinh Bắc, Hải Đông, mỗi phủ đều đặt một học quan, ban ruộng công cho phủ, châu lớn 15 mẫu, vừa 12 mẫu và nhỏ 10 mẫu để chi dụng dạy học ở lộ, phải đốc thúc học quan dạy dỗ học trò để cho thành tài nghề. Mỗi cuối năm phải chọn người học giỏi tiến vào triều[5]. Hệ thống trường học này do các nhà nho và thái học sinh không làm quan, về nhà dạy học.

Cũng như các triều đại , Trần trước đây, nhà Hồ lấy Tứ ThưNgũ Kinh làm cơ sở cho học vấn và khoa cử; đồng thời học về lịch sử Trung Hoa. Các học trò phải hiểu biết về đề tài trị nước, an dân.

Sau khi lên nối ngôi cha, Hồ Hán Thương đặt ra nhã nhạc, con các quan văn làm Kinh vĩ lang, con các quan võ làm Chỉnh đốn lang, học tập hai điệu văn võ [6].